Archnews Kienxinh Kienxinh
0903 855 288 (Zalo)
0918 092 310 (Kts.Lý)
vhtrung@kienxinh.com
kmly@kienxinh.com
HCM:08h-17h30 | T2-T7
Online with Archnews

( 0 )

Ngôi nhà hai mặt giáp hẻm đã trở nên riêng tư và “chất, ngầu” như thế

Chỉ có một phép màu duy nhất là lựa chọn đúng giải pháp cho từng ngôi nhà.

Ngôi nhà trong hẻm tại trung tâm thành phố Hồ Chí Minh là một ngôi nhà đặc biệt. Hai mặt nhà giáp hẻm, một mặt dài 2,01m, một mặt dài 1,70m và có góc gập nên bản chất ngôi nhà không vuông vắn. Những ngôi nhà nằm tại góc giao hai con đường vốn dĩ không hiếm, và những ngôi nhà ấy có nhiều bất tiện cho gia chủ trong cuộc sống thường nhật. 

Căn nhà hai mặt giáp hẻm thường chịu ồn ào từ những con đường

Trước hết là tính riêng tư trong không gian sống bị ảnh hưởng lớn. Nhà gần đường qua lại vốn ồn ào và huyên náo. Cuộc sống bên trong ngôi nhà cũng mất đi tính riêng tư nơi phố thị. Tiếp đó là vị trí những ngôi nhà nằm tại góc đường, hẻm hay phố thường chịu khí động, đây là một tác động không tốt theo thuật phong thủy nhà. Chính bởi thế mà chủ nhân của căn nhà trong hẻm này muốn thay đổi tất cả, tạo một không gian sống thanh bình và thoải mái nhất cho mọi thành viên trong gian đình. 

Đề bài đã có, kiến trúc sư người Nhật đã quan sát rất kĩ khuôn viên nhà trước khi phác thảo nên ý tưởng ngôi nhà đèn lồng cho gia chủ. Gọi là ngôi nhà đèn lồng vì toàn bộ khối nhà được bọc bằng bê tông tấm. Bằng cách này âm thanh, tiếng ồn xe cộ và nhiệt nóng hắt lên từ những con đường không tác động đến bên trong ngôi nhà. Đồng thời để đảm bảo sự thoải mái cho người ở bên trong, những ô cửa sổ to, nhỏ khác nhau được trổ theo một giai điệu riêng vừa ngẫu hứng, vừa tinh tế.

Với thiết kế này, ngôi nhà vừa đảm bảo tính riêng, vừa tránh ồn và thoáng mát

Toàn cảnh mặt cắt dọc của ngôi nhà trong hẻm

Với phong cách hiện đại, ngôi nhà được tạo nên từ những lớp vật liệu thô mộc như gỗ, kim loại, bê tông không chỉ trong kết cấu mà còn trong cả bài trí. Toàn bộ căn nhà mang ba tông màu đơn giản là trắng của sơn tường, ghi xám của bê tông láng và nâu vàng của đồ nội thất gỗ.

Căn nhà được bài trí nhẹ nhàng, hiện đại. Ô cửa sổ được đặt ở những vị trí cao thấp khác nhau tựa như những khung tranh trang trí cho căn nhà.

Không gian nhà được sắp xếp gọn gàng, hợp lý 

Trong ngôi nhà đèn lồng nằm giữa hai con hẻm ấy, ánh sáng là thứ cần thiết nhất để không biến ngôi nhà thành chiếc hộp kín. Cho dù nhìn bên ngoài ngôi nhà có dáng vẻ kín đáo nhưng bên trong lại sáng bừng nhờ những ô cửa sổ lớn ở mỗi tầng lầu. 

Toàn bộ hệ thống cửa sổ được sử dụng bằng kính và sắt uốn hoa văn. Cách làm này là chủ đích của kiến trúc sư nhằm mang lại nguồn sáng tự nhiên tối đa cho toàn bộ căn nhà. Trần nhà được nâng cao theo từng tầng khác nhau nhằm mở rộng khoảng sáng và không gian sống thoáng đãng cho căn nhà.

Cửa sổ là nguồn sáng tối ưu cho từng căn phòng nhỏ

Kết hợp với ánh sáng tự nhiên là hệ thống ánh sáng nhân tạo gắn trần. Những chiếc đèn tròn nhỏ ốp sát trần không chỉ tiết kiệm nhiên liệu, tăng thêm tính hiện đại, năng động cho căn nhà mà còn đảm bảo nguồn sáng sinh hoạt cho gia chủ vào chiều tối. 

Những mảng tường sáng tối được phân định rõ ràng làm nổi khối cho ngôi nhà khi ánh sáng hắt qua.

Tấm tường xi măng láng được giữ nguyên tạo nên vẻ đẹp hiện đại mà mộc mạc cho căn nhà

Ngôi nhà có diện tích tuy nhỏ nhưng mỗi căn phòng bên trong nó lại có cảm giác rộng và sáng hơn. Tất cả là nhờ hiệu ứng hắt sáng, tạo khối từ ánh sáng tự nhiên, hay hệ thống ánh sáng nhân tạo lên bức tường trắng, ghi xám bên trong ngôi nhà. Để làm được điều đó, trong quá trình thiết kế, kiến trúc sư đã tính toán rất cụ thể việc trổ cửa sổ ở đâu, kích thước to nhỏ ra sao, bức tường nào sơn trắng, bức tường nào láng xi măng. Mọi việc đều nằm trong tầm kiểm soát và sắp đặt của người cầm bút.

Thiết kế liên thông phòng khách, bếp, phòng ăn. Nhưng khi cần đến sự riêng tư, hệ thống cửa xếp ngăn giữa phòng khách và bếp sẽ được tận dụng.

Hệ thống thông gió cho căn nhà cũng được trú trọng bởi có ánh sáng và không khí ngôi nhà mới có sức sống. Có thể thấy rõ ràng trong thiết kế này, kiến trúc sư người Nhật đã sử dụng thuật đổi gió linh hoạt cho căn nhà. Đó là sự kết hợp giữa lấy gió chiều dọc theo lối cầu thang và chiều ngang tại các khu vực phòng ở thông qua cửa sổ.

Với cách thiết kế cầu thang dài, hẹp tỉ lệ theo diện tích của ngôi nhà, kiến trúc sư cho kết hợp lối lên tầng với tủ sách âm tường để tăng diện tích lưu trữ đồ đạc. Dọc theo lối cầu thang, cửa sổ nhỏ được mở và trần thông gió được nâng cao tạo khoảng không trao đổi khí cho ngôi nhà. Khí nóng được bốc lên từ bên dưới căn nhà, thoát ra theo lối cửa trần và cũng chính từ đó, khí mát dần lan tỏa khắp gian phòng.

Cầu thang là nơi thông gió theo chiều dọc của ngôi nhà, chúng được tích hợp với kệ âm tường giúp gia chủ thuận tiện trong cất giữ đồ đạc.

Trần thông gió được nâng cao và để hở là nơi trao đổi khí trong nhà

Trong hệ thống thông gió theo chiều ngang, ngoài hệ cửa sổ hợp lý được phân bổ ở từng không gian sinh hoạt, thì sân thượng chính là khoảng hở trao đổi khí nóng – mát hiệu quả cho ngôi nhà.

Khoảng sân thượng hở cũng là nơi trao đổi không khí cho ngôi nhà

Tại không gian mở duy nhất trong ngôi nhà, sân thượng được làm mát bằng những chậu cây xanh. Đây cũng là khoảng không thư giãn và hòa mình với thiên nhiên của gia chủ. 

Những chậu cây xanh nhỏ nhắn là chốn thư giãn cho gia chủ những buổi chiều tà

Phòng làm việc được đặt ngay cạnh khoảng sân xanh mát

Ngôi nhà là một tổng thể rất hoàn chỉnh với sự phối kết hợp nhịp nhàng giữa lấy sáng, thông gió và tận dụng diện tích nhỏ. Cũng đi theo xu hướng tiết kiệm không gian, nội thất thông minh và tiện ích như hệ thống tủ kệ ốp tường, kịch trần được tận dụng tối đa. Chúng cùng những ô cửa sổ sâu từ 50-80cm tạo nên khối liên kết liên hoàn trên các mặt đứng của căn nhà. Những chi tiết hoa văn uốn tại cửa sổ cũng tăng tính thẩm mỹ, mới lạ cho ngôi nhà dù nhìn từ bên trong ra hay bên ngoài vào. 

Góc nghỉ ngơi thư giãn bên ô cửa sổ

Cửa sổ luôn được đặt sâu từ 50-80cm để tạo mặt phẳng liên thông với kệ tủ

Căn nhà trong hẻm như chiếc đèn lồng nhỏ sáng bừng trong đêm tối và tạo nên một cuộc sống riêng tư, vui tươi cho những người sống bên trong nó. Một gợi ý hoàn hảo cho những căn nhà nằm tại góc giao của những con đường.

Vị trí: Quận 1, TPHCM 
Thể loại: Nhà ở (cho 4 người) 
Thiết kế: sda. – SANUKI DAISUKE architects 
Kiến trúc sư: Sanuki Daisuke, Huỳnh Anh Tuấn
Chiều cao công trình: 13,6m, 4 tầng 
Kết cấu: kết cấu khung bê tông cốt thép 
Hoàn thành năm: 2015
Nhiếp ảnh: Hiroyuki Oki (Decon Photo studio) 


(Kienxinh.com theo Happynest)