Archnews Kienxinh Kienxinh
0903 855 288 (Zalo)
0918 092 310 (Kts.Lý)
vhtrung@kienxinh.com
kmly@kienxinh.com
HCM:08h-17h30 | T2-T7
Online with Archnews

( 0 )

Một chỗ để hướng thượng

KTNĐ – Trong ngôi nhà hiện đại, có nhiều giải pháp thuộc về hai trục hướng nội và hướng tha nhưng trục hướng thượng có vẻ như ít được tính toán một cách hợp lý. Câu hát trong bản tình ca của Lê Uyên Phương: “Ôm rách nát không tâm linh/ Ôm tiếng hát không hơi rung nghèo nàn”, rảnh rỗi ngồi ngẫm, thấy phần nào đúng với một viễn cảnh sống mà ở đó bị quên lãng hay có thể đang… đi vắng.



Bạn tôi mua một căn hộ chung cư cao cấp. Khi dọn về ổn định đâu vào đó rồi, ông bà già ở quê vào thăm, quở: “Cái nhà này gì cũng đủ, nhưng lại thiếu một thứ quan trọng, chỗ của Chúa”. Anh bạn, dân Công giáo, lớn lên trong gia đình đạo nòi, chợt ngớ ra. Câu quở của ông bà già khiến vợ chồng anh tất tả cả mấy tuần, nào là mời kiến trúc sư về tư vấn giải pháp đặt để sao cho hợp lý (vì trên tường đã đâu ra đó cả rồi), sao cho không gian tôn giáo vừa đủ riêng tư tĩnh lặng, không quá phô diễn tạo ra phân biệt với khách khứa, nhưng lại vừa thể hiện sự tôn kính. Một điều hết sức quan trọng nữa, là làm sao để không “chỏi” với cách trang trí chung của nội thất căn hộ.

Ôi, thở phào nhẹ nhõm! Cuối cùng thì Chúa cũng có chỗ trong căn hộ. Muộn còn hơn không.



Phần ông bà già, tới đó mới thấy yên tâm khi vào Sài Gòn thăm vợ chồng đứa con trai.

Một chỗ để ngước lên – thực ra “ngước lên” là theo nghĩa bóng của từ này – là hướng lòng đến thế giới siêu nhiên, cõi thiêng liêng, tín ngưỡng. Còn riêng về nghĩa đen thì lại khác: đó có thể là bàn thờ ông thổ địa, thần tài đặt ở bên lối đi nơi góc quán, góc nhà để đốt hương khấn nguyện, đó cũng có thể là nơi đặt tượng Quan Công đầy nghĩa khí mà ta vẫn thấy ở những tư gia hay hội quán trong phố Tàu hay cũng có thể chỉ đơn giản thôi, là bàn thờ Phật hay một bệ thờ, bát hương để ta tưởng nhớ, nhang khói, hướng về ông bà, tiền nhân đã khuất theo đạo gia tiên truyền thống…

Trong không gian kiến trúc nhà ở truyền thống nơi thôn quê ngày trước, yếu tố tâm linh thể hiện rất rõ. Bước vào sân là biết gia chủ theo đạo gì. Bởi những biểu tượng tôn giáo được bày ra phía trước, chính diện hoặc những không gian trang trọng, đập ngay vào tầm nhìn của khách. Nhưng trong kiến trúc nhà ở đô thị hiện đại, không gian tâm linh có xu hướng được “quy hoạch” riêng tư hơn, hoặc được bố trí ở những nơi thoáng đãng để tránh bưng bí do nhang đèn.

Sự chuyển hóa quan niệm từ chỗ tuyên xưng hay biểu hiện đời sống tâm linh ra bên ngoài được thay thế bằng những suy tư hướng vào bên trong bản chất của tâm linh. Biểu tượng thường được rút gọn, đôi khi là cực thiểu và đi vào đời sống thực hành tín ngưỡng riêng tư. Một cây thánh giá trên vách tường phòng sinh hoạt gia đình được đặt để hợp lý với gia đình Thiên Chúa giáo, đúng chỗ cũng tạo ra một thế giới để ngưỡng vọng, hướng tâm. Một bức tượng Phật đặt trên ngăn kệ cao của giá sách cũng tạo ra góc để người ta có thể tĩnh lặng, quán tưởng sau những lăng xăng huyên náo đời sống.

Tất nhiên, có những người có điều kiện hơn, đã dành cả không gian trên sân thượng để đặt một tủ thờ ông bà tổ tiên để tĩnh lặng, riêng tư, tiện cho cúng quảy, để hương đèn thoáng đãng không gây ngột ngạt…



Hằng ngày, cuộc sống đầy rẫy hung tin và bất an. Con người phải có một chỗ nương tựa và tìm lại năng lượng tinh thần.

Không câu nệ. Nhưng phải tính. Phải lưu ý đến. Bằng không, thì sẽ thiếu. Thiếu nghiêm trọng.

Trong một số trường hợp nhà ở hiện đại, không gian tâm linh đạt đến sự hài hòa, góp phần tham gia vào cách trang trí chung ngôi nhà là giải pháp nhiều người ở nhà phố mong muốn. Điều đó cần đến kiến thức, sự am tường văn hóa, sử dụng biểu tượng tâm linh của nhà thiết kế hóa giải được với nhu cầu và quan niệm của gia chủ.

Không gian tâm linh trong ngôi nhà giữa bối cảnh sống hiện đại có thể chiếm một tỷ lệ diện tích rất nhỏ. Nhưng đó là biểu tượng neo giữ những giá trị thiêng liêng mà con người đô thị hôm nay cần có. Một chỗ để hướng thượng sẽ giúp điều hòa những mối quan hệ trong gia đình và trong tương quan xã hội. Tất nhiên, bản lĩnh tâm linh yếu để mức đẩy cao sự mê tín, để trở thành thứ vẽ vời hoa lá cành của các thầy phong thủy dị đoan lại là một chuyện ngoại lệ mà người viết không muốn nêu lên ở đây.

Sự hài hòa ba trục tương quan hướng nội, hướng tha và hướng thượng trong kiến trúc ngôi nhà sẽ tạo ra sinh khí, đủ đầy cho đời sống tinh thần gia chủ. Sự cứu rỗi đôi khi còn tùy vào niềm xác tín nơi mỗi người, nhưng cái thấy được trước mắt của một chỗ cho hồn người hướng thượng, nói nôm na theo cách của dân gian là có thờ có thiêng, có kiêng có lành.

Hằng ngày, cuộc sống đầy rẫy hung tin và bất an. Con người phải có một chỗ nương tựa và tìm lại năng lượng tinh thần. Một chỗ để quỳ gối, cúi đầu, thắp một nén hương để tâm ta vượt thoát trên thực tại ngột ngạt, huyên náo phải được tư duy một cách tử tế, nghiêm túc.
Không giỡn chơi được.